PGS. TS. NGƯT Nguyễn Phương - Nguyên Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Phó Chủ tịch Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường để đưa ra quan điểm của ông về sạt lở, trượt lở đất và lũ quét dưới góc nhìn địa chất.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân của hiện tượng trượt lở nói chung và các đợt sạt lở đất tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta vào tháng 9 vừa qua nói riêng?
PGS. TS. NGƯT Nguyễn Phương: Nguyên nhân gây trượt, lở có từ các yếu tố tự nhiên và hoạt động nhân sinh, có thể xảy ra trên sườn dốc tự nhiên và sườn dốc nhân tạo; có thể do độ bền của đất đá bị giảm đi, hoặc do trạng thái ứng suất ở sườn dốc bị thay đổi, hoặc do cả hai nguyên nhân trên làm cho điều kiện cân bằng của khối đất đá ở sườn dốc bị phá hủy.
Các yếu tố ảnh hưởng là toàn bộ những yếu tố tự nhiên và nhân tạo có tác dụng hỗ trợ cho quá trình phá hoại sự cân bằng của khối đất, đá xảy ra được dễ dàng. Các yếu tố này có thể bao gồm các yếu tố tự nhiên, như đặc điểm địa chất (địa tầng, kiến tạo, đứt gãy, mức độ nứt nẻ, tính chất cơ lý của đất, đá và các quá trình địa chất động lực...), khí tượng - thủy văn, thảm thực vật, đặc điểm của nước ngầm, nước mặt, các điều kiện địa hình - địa mạo, các yếu tố thời gian và cả các yếu tố nhân sinh.
PGS. TS. NGƯT Nguyễn Phương - Nguyên Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Mỏ - Địa chất
Tác động của các yếu tố trên là làm thay đổi trạng thái ứng suất trong khối đất, đá, làm giảm khả năng chống trượt của khối đất, đá ở sườn dốc. Các yếu tố đó kết hợp đan xen với nhau tạo nên các cơ chế mất ổn định sườn dốc khác nhau.
Về yếu tố địa chất, như đặc điểm thạch học của đá gốc, mức độ nứt nẻ của khối đá, đặc điểm vỏ phong hoá, đặc điểm địa hình - địa mạo cấu thành nên sườn dốc, hoặc nơi bờ dốc đi qua và yếu tố khí hậu - thủy văn là nguyên nhân chính liên quan đến tiềm năng phát sinh trượt lở đất, đá và chúng có mối liên quan khá chặt chẽ với nhau.
Nước hầu như trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến trượt lở. Vai trò của nước có thể thấy ngay trong thực tế vừa qua, là hầu hết các chuyển động khối nhanh (trượt lở khối đất, đá) đều xảy ra trong và sau thời gian mưa dữ dội và kéo dài. Chế độ mưa đóng vai trò rất quan trọng, trong đó mưa lớn hoặc mưa kéo dài là nguyên nhân chính gây ra trượt lở đất, đá. Ở miền Bắc nước ta, trượt lở thường xảy ra trong phạm vi các khu vực có lượng mưa lớn và gia tăng vào mùa mưa, thông thường từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Đồng thời, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm cũng làm tăng tốc độ phong hóa của đất đá ở bề mặt bờ dốc, do đó làm giảm độ bền của đất, đá.
Ngoài ra, thế nằm của đá, hoạt động kiến tạo hiện đại, hoạt động của các đứt gãy gây ra các đới xung yếu cũng dễ dẫn đến trượt lở.
Sạt lở đất và lũ quét xảy ra ở nước ta với tần suất, cường độ và mật độ ngày càng cao
PV: Như ông trao đổi ở trên, các yếu tố nhân sinh là một trong những nguyên nhân gây trượt lở đất. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về các yếu tố này, thưa ông?
PGS. TS. NGƯT Nguyễn Phương: Hoạt động nhân sinh (do con người) cũng là tác nhân quan trọng, trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra trượt lở. Hoạt động của con người làm thay đổi các điều kiện tự nhiên, làm cho tai biến trượt lở được kích hoạt và mạnh lên ở một số khu vực. Đáng kể nhất là nạn phá rừng đầu nguồn và các hoạt động kinh tế như làm đường, xây dựng hồ, đập chứa nước, khai thác khoáng sản,... Mật độ thảm thực vật có ảnh hưởng lớn đến hiện tượng trượt lở. Thảm thực vật là nhân tố quan trọng trên các sườn dốc.
Yếu tố nhân sinh góp phần gây ra hiện tượng trượt lở bao gồm: Làm giảm độ che phủ rừng, cụ thể việc chặt phá, đốt rừng, canh tác nông nghiệp làm giảm độ che phủ rừng là nguyên nhân quan trọng gây ra trượt lở đất, đá. Xem xét các khối trượt liên quan đến lớp phủ thực vật cho thấy có tới 70% các khối trượt xảy ra trên bề mặt thuộc phạm vi 2 loại sử dụng đất là đồi núi trọc xen thảm cỏ, cây bụi và đất nương rẫy.
Đối với các vùng còn rừng tự nhiên khá tốt thì hiện tượng trượt lở đất ít xảy ra hơn hoặc được giảm nhẹ do sức chống đỡ của thảm thực vật.
Một yếu tố nhân sinh khác là làm giảm sức chống đỡ của sườn. Các công trình xây dựng đường giao thông làm thay đổi thế cân bằng sườn, cắt xén chân sườn dốc khi làm đường, bờ moong khai thác mỏ.
Đồng thời, tăng tải trọng cho sườn dốc do xây dựng các công trình có tải trọng lớn trên sườn, vị trí tập trung quặng hoặc bãi thải mỏ trong khai thác khoáng sản cũng là yếu tố gây trượt lở.
Bên cạnh đó, còn có những yếu tố khác như: Chấn động do khai thác mỏ bằng phương pháp nổ mìn, hoạt động của các phương tiện cơ giới và việc dùng mìn phá đất đá mở đường; việc thay đổi dòng chảy, xây dựng hồ chứa làm thay đổi mực nước ngầm.
Ngoài các nguyên nhân chính nêu trên, con người còn có thể chủ ý hoặc vô tình gây ra trượt lở, gây thiệt hại cho chính mình. Ví dụ, trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, quân đội Áo và Italia đã chạm trán nhau tại một điểm cao trên dãy Anpơ nằm ở phía Bắc Italia. Cả hai bên đã ra sức nã đạn vào sườn núi phía bên kia với mục đích tạo ra các tảng đá lăn xuống vị trí của đối phương. Trận đá lăn này đã làm hy sinh 80.000 người của cả hai bên.
Nhiều địa phương có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở mức rất cao
PV: Để phòng chống lũ quét, trượt lở, ông có đề xuất giải pháp gì, thưa ông?
PGS. TS. NGƯT Nguyễn Phương: Khác với các tai biến động đất và núi lửa là những dạng tai biến mà con người hầu như chưa thể phòng chống được, thì đối với tai biến trượt lở, con người có thể áp dụng một số biện pháp để phòng chống và giảm thiểu tác hại của chúng.
Tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể, có thể có những giải pháp phòng chống trượt lở thích hợp. Trước hết, chống tác dụng phá hoại của nước mặt bằng cách đào các rãnh thoát nước để đưa nước chảy theo hướng khác hoặc đẩy nhanh quá trình thoát nước mưa trên bề mặt sườn dốc (hệ thống rãnh định hướng, phân bậc sườn dốc) nhằm hạn chế quá trình thấm, trồng các loại cây cỏ chống xói mòn đất. Chống tác dụng phá hoại của nước ngầm bằng hệ thống thoát nước ngầm (rãnh ngầm, hầm thoát, giếng ngầm...).
Tiếp đó, giảm tải trọng phía trên khối trượt bằng cách đào bỏ một phần đất đá để tăng sự cân bằng tĩnh học (áp dụng khi mặt trượt dốc ở phần trên, thoải ở phần dưới), bạt thoải mái dốc, tạo nhiều bậc thang theo sườn dốc, không xây dựng công trình ở vị trí làm tăng tải trọng trên mái dốc. Tăng tải trọng ở phần chân của mái dốc bằng các biện pháp công trình như tường chắn, kè chống xói lở, hệ thống cọc chống đỡ ở chân sườn dốc với móng đặt sâu dưới mặt trượt và nằm trên nền đá gốc.
Cùng với đó, xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở dựa trên cơ sở nghiên cứu về địa chất, địa hình và khí tượng (lượng mưa)...
Ngoài ra còn có các biện pháp bảo vệ và phát triển hệ thống thảm thực vật như: Trồng rừng phòng hộ, trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi đàn gia súc, trồng cây theo đường đồng mức...
Bên cạnh các giải pháp sử dụng kỹ thuật để hạn chế tai biến trượt lở, các giải pháp phi công trình cũng cần được sử dụng như: Tuyên truyền cho người dân về nguyên nhân và hậu quả của các tai biến thiên nhiên nói chung, trượt lở nói riêng; thành lập các đội phòng chống tai biến và các nhóm tình nguyện viên để đối phó với tai biến có hiệu quả; tiến hành nghiên cứu chi tiết và phân vùng trọng điểm trượt lở, đồng thời hạn chế đi lại trên những đoạn đường có mức độ nguy hiểm cao vào mùa mưa lũ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!